fbpx

Những Điều Cần Biết Khi Du Học Thuỵ Sĩ

Thụy Sĩ, với tên gọi chính thức là Liên bang Thụy Sĩ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Tọa lạc giữa Đức, Pháp và Ý, Thụy Sĩ là một điểm đến hấp dẫn trên cuộc hành trình khám phá châu Âu. Không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp, những chiếc đồng hồ nổi tiếng và món phô mai đặc trưng, Thụy Sĩ còn ghi dấu ấn với cư dân toàn cầu với nền giáo dục có chỉ số tổng hợp đứng số 1 thế giới (2019 – 2020), và được xem là một trong những vùng đất đáng sống nhất trên hành tinh. Nghiễm nhiên, du học Thụy Sĩ đã trở thành chủ đề đáng quan tâm của các bạn trẻ gần đây!

Sau đây là những điều bạn cần biết nếu cho ý định du học Thụy Sĩ.

1. Các trường đại học hàng đầu thế giới

Thụy Sĩ sở hữu khá nhiều các trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới. Hai học viện hàng đầu của Thụy Sĩ đã liên tục ghi dấu trong top 30 ở BXH Đại học Thế giới của The Times Higher Education (THE).

Năm 2016 – 2017, Thụy Sĩ có tổng cộng 7 trường đại học đứng trong top 150 trong bảng xếp hạng cùng tên, đây là một con số khá ấn tượng đối với một đất nước chỉ có khoảng tám triệu ba trăm dân, ít hơn cả tổng cư dân ở London.

Sinh viên du học Thụy Sĩ đã chia sẻ rằng, họ rất hài lòng với chất lượng giảng dạy tại các trường đại học / học viện họ đang theo học, và cả các cơ sở vật chất trên toàn đất nước.

Chưa kể, Thụy Sĩ đã nổi tiếng các năm đổ lại với chất lượng giảng dạy cao ở các ngành như Quản lý Du lịch và Khách sạn, Quản trị Kinh doanh, v.v.

2. Học phí và chi phí đắt đỏ

Học phí các chương trình du học Thụy Sĩ khá đắt đỏ nếu không muốn nói là một trong những chương trình học đắt nhất thế giới; đặc biệt đối với hệ thống trường tư thục. Ngoài chi phí học tập, chi phí sinh hoạt thường nhật ở đây cũng thuộc nhóm đắt đỏ nhất thế giới.

Bên cạnh những thành phố như Geneva, Zurich, v.v, mà chúng ta thường biết, Thụy Sĩ còn có những vùng thuộc nhóm “giàu và sang chảnh” như Zug, Schwyz, Nidwalden, v.v. Tại những thành phố này, bên cạnh học phí cao, các du học sinh Thụy Sĩ còn phải chịu thêm các chi phí chi tiêu hằng ngày.

Do đó, chi phí học chương trình Thụy Sĩ là một trong những rào cản lớn nhất đối với các học viên mong muốn tiếp cận một trong những hệ thống giáo dục tốt và đa dạng nhất thế giới.

3. Địa lý thuận lợi cho giao lưu văn hóa

Thụy Sĩ giáp ranh với Pháp, Đức, và Ý, nên đất nước này có tận 4 ngôn ngữ chính: Đức, Pháp, Ý và Romansh. Đây cũng là lý do khiến Thụy Sĩ là một trong những quốc gia đa văn hóa đáng sống bậc nhất thế giới. Có lẽ cũng vì vậy mà các du học sinh khi đến đều cảm nhận được sự hiếu khách của con người nơi đây.

Ba năm học cử nhân tại Thụy Sĩ có thể giúp bạn học được thêm một trong bốn ngoại ngữ thú vị này. Rất nhiều du học sinh đã và đang theo học đã trở về với vốn tiếng Đức, Pháp, và Ý đáng kinh ngạc! Điều này có nghĩa: bạn sẽ có cơ hội làm việc nhiều hơn ở các quốc gia nói các ngôn ngữ này đấy!

4. Cơ hội việc làm rộng mở

Lực lượng lao động ở Thụy Sĩ có mức lương trung bình cao nhất châu Âu (theo báo cáo của Totally Money) và các doanh nghiệp với các chi nhánh văn phòng ở khắp miền đất nước; do đó, học tập và tốt nghiệp tại đây là một lợi thế lớn. Mặc dù đối với các sinh viên không đến từ châu Âu có thể khó có được thị thực để ở lại làm việc sau tốt nghiệp, nhưng nếu bạn chứng minh được bạn là ứng viên tốt nhất thì hiển nhiên, doanh nghiệp có thể hỗ trợ bạn hoàn thành hồ sơ thị thực.

Giả sử bạn nhận được một lời đề nghị làm việc đầy tiềm năng của một công ty có uy tín, thì tin vui cho bạn là chi phí sinh hoạt ở Thụy Sĩ không hề cao so với mức lương nhận được (chi phí sinh hoạt ở châu Âu còn rẻ hơn cả ở Úc đấy!). Mức lương trung bình hàng năm cho một giáo viên ở Thụy Sĩ là tần 87,500 franc Thụy Sĩ (tầm khoảng 90,000 đô Mỹ). Nghe không tệ chút nào đúng không?!

5. Chất lượng cuộc sống hàng đầu thế giới

Không phải ngẫu nhiên mà các thành phố của Thụy Sĩ liên tục được xếp hạng cao trong số những thành phố đáng sống nhất thế giới. Với mức lương cao và phù hợp với chi phí sống, tỷ lệ tội phạm thấp, Thụy Sĩ nằm ở vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc ở toàn châu Âu với 7,480 điểm; chỉ đứng sau Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Netherlands. Được biết, Zug thành phố có chất lượng cuộc sống số 1 Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ có các cơ sở hạ tầng giao thông tuyệt vời, giúp bạn có thể dễ dàng đi du lịch khắp các vùng miền và khám phá văn hóa nơi đây. Du học Thụy Sĩ dường như sẽ đặc biệt thích hợp với ai yêu thích các hoạt động ngoài trời. Bạn sẽ rất tận hưởng một chuyến đi với những dãy núi Alps hùng vĩ, hồ nước mát mẻ, không khí trong lành, và cảnh đẹp nên thơ!

Tóm lại, mặc dù học phí và chi phí đắt đỏ, đặc biệt tại các khu vực giàu có và sang chảnh của Thụy Sĩ, nhưng thay vào đó, học viên sẽ được trải nghiệm nền giáo dục hàng đầu, sự an toàn, đa dạng văn hóa và đặc biệt cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, bất kể là đến Thuỵ Sĩ du học, hay là ở bất cứ nơi đâu, thì việc làm quen với một lối sống mới và kết bạn sẽ tốn của bạn kha khá thời gian. Nhưng một khi đã đến Thuỵ Sĩ du học và đã hoà nhập vào cộng đồng địa phương, thì một điều chắc chắn bạn sẽ nhận thấy tình bạn xây dựng được ở đây là chân chính và lâu dài. Do đó, không có ít người đến đây sinh sống và học tập không hề có ý định rời đi.

Mỗi quốc gia đều có những phong tục tập quán và truyền thống riêng. Để giúp bạn không bị sốc văn hoá và có thể hoà nhập vào đời sống Thuỵ Sĩ tốt nhất, theo đây là một số quy tắc về phép xã giao và các khía cạnh quan trọng trong lối sống của người Thuỵ Sĩ.

  • Khi gặp một ai đó mới, bạn nên bắt tay họ thay vì chỉ nói “xin chào”. Nếu họ là bạn bè hoặc người thân, hãy hôn lên má họ ba lần theo thứ tự: má phải, trái, rồi lại phải! Và khi bạn rời đi, đừng quên lại bắt tay và hôn họ nhé!
  • Khi gọi điện cho một ai đó hoặc trả lời điện thoại, hãy nói tên của mình ngay từ đầu cuộc trò chuyện thay vì là “a lô”.
  • Nếu như ngay từ đầu họ không nói rằng bạn có thể gọi họ bằng tên (first name), thì đừng xưng hô với họ như vậy. Hãy gọi họ bằng họ (last name). Ngoài ra, đừng sử dụng lối nói thân mật, vì nếu như bạn không thật sự thân thiết với họ, gọi người Thuỵ Sĩ bằng “du” (trong tiếng Đức), có thể bị xem là bất lịch sự và khiến họ cảm thấy không thoải mái.
  • Khi mới dọn đến, hãy là người giới thiệu bản thân với hàng xóm. Đối với một số người Việt chúng ta, việc gõ cửa giới thiệu sẽ hơi kỳ lạ, nhưng ở Thuỵ Sĩ, nếu bạn không làm vậy, họ sẽ nghĩ rằng bạn không muốn gặp họ!
  • Người Thụy Sĩ rất đúng giờ – một phút chênh lệch so với thời gian đã định được coi là trễ!
  • Người Thụy Sĩ cũng rất nghiêm khắc trong một căn hộ, việc bật đài radio hoặc TV quá lớn sau 10 giờ tối là một điều cấm kỵ. Nếu bạn có một khu vườn, bạn không nên sử dụng máy cắt cỏ bằng điện vào chủ nhật và ngày lễ. Đối với điện thoại, bạn không nên gọi trước 8 giờ sáng hoặc sau 9 giờ tối, trừ khi bạn gọi cho gia đình và bạn bè thân thiết.
  • Kỷ luật được coi là rất quan trọng – cả kỷ luật tự giác và tôn trọng quyền riêng tư của người khác là điều cần thiết. Khi bạn thuê một căn hộ, bạn sẽ nhận được một danh sách các quy định giải thích các quyền và nghĩa vụ của bạn. Đôi khi, điều này được dán ở sảnh vào của tòa nhà.
  • Nếu bạn nuôi một chó, bạn phải dọn dẹp khi thú cưng của bạn “giải quyết” ở các khu vực công cộng như trong công viên. Bạn có thể sử dụng các túi nhựa có sẵn từ các thùng màu xanh lá cây.

Nguồn: The Swiss Institute of Management and Innovation, Zug Switzerland

Contact SIMI

Blegistrasse 7, 6340 Baar, Zug Canton, Switzerland

SIMI Swiss là viện đào tạo chương trình đại học và sau đại học tiên phong tại Zug, Thụy Sĩ. SIMI Swiss được kiểm định bởi ASIC cấp tổ chức và giấy phép đào tạo & nghiên cứu được cấp bởi Canton of Zug, Thụy Sĩ.

Accredited by ASIC
Zug Switzerland, Legal license CHE-258.080.017

Viện đại học SIMI là Viện đào tạo đại học và sau đại học tại Zug Thụy Sĩ